BỐI CẢNH
Việt Nam xếp thứ 20 trên thế giới về phát sinh chất thải nhựa với 3,27 triệu tấn mỗi năm. Tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 250 nghìn tấn chất thải nhựa, trong đó, 48 nghìn tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá trị thấp) chiếm 19,2%, còn lại hơn 200 nghìn tấn chất thải nhựa được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường.

Với tình trạng ô nhiễm nhựa ngày càng tăng ở Việt Nam, Chính phủ đã tiến hành các biện pháp để chống ô nhiễm nhựa, ví dụ như: thực hiện các chính sách quốc gia và khu vực nhằm giảm nhựa sử dụng một lần và tìm kiếm giải pháp thay thế; thay đổi phương pháp và cách tiếp cận trong giáo dục liên quan đến nhận thức về môi trường. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu tham vọng trên, còn nhiều thách thức: thiếu kinh phí; vai trò và trách nhiệm của các bên trong công tác quản lý và xử lý chất thải nhựa còn chồng chéo; nhận thức và hành động của cộng đồng còn hạn chế; phụ nữ tham gia tích cực trong việc quản lý xử lý rác thải, tuy nhiên các chính sách của chính phủ chưa phản ánh lên điều này.

Trong bối cảnh đó, Quỹ Pepsico thông qua Give2Asia tài trợ dự án: “Nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam”. Dự án do Trung tâm Giáo dục và Phát triển phối hợp với các đối tác tại Việt Nam thực hiện từ tháng 1 năm 2020 và dự kiến kết thúc vào tháng 6 năm 2022.

MỤC ĐÍCH DỰ ÁN
Nâng cao nhận thức về ô nhiễm rác thải nhựa và thay đổi thái độ, hành vi của cộng đồng nhằm hạn chế sử dụng và giảm thải từ nhựa dùng một lần.

MỤC TIÊU DỰ ÁN
– Giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (khu vực tư nhân)
– Tăng cường giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về môi trường và ô nhiễm rác thải nhựa

HOẠT ĐỘNG CỦA DỰ ÁN
Với các cơ sở giáo dục: Dự án sẽ phối hợp với các đối tác thực hiện một chuỗi các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng sản phẩm nhựa cho giới trẻ và cộng đồng, cụ thể:

  1. Đào tạo và huấn luyện 50 bạn trẻ từ 18 đến 25 tuổi trở thành các Lãnh đạo môi trường.
  2. Hỗ trợ tổ chức các câu lạc bộ khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) cho học sinh và các câu lạc bộ môi trường tại các trường đại học.
  3. Hỗ trợ triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục, và hỗ trợ các sáng kiến của học sinh và sinh viên tại các trường đại học và trường phổ thông ở một số tỉnh thành của Việt Nam.
  4. Tổ chức triển lãm môi trường và/hoặc hội chợ khoa học tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Việt Nam.

Với khu vực tư nhân: Dự án sẽ phối hợp với các đối tác thực hiện một chuỗi các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi và tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần trong khu vực tư nhân, cụ thể:

  1. Tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và nhân viên của họ về tác động của ô nhiễm rác thải nhựa và giải pháp giảm thiểu sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong doanh nghiệp và trong sinh hoạt hằng ngày tại gia đình.
  2. Tổ chức hội thảo cho các doanh nghiệp ngành bao bì nhằm chia sẻ về những nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới và các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường nhằm giảm tiêu thụ bao bì nhựa sử dụng một lần.
  3. Tổ chức diễn đàn đối thoại giữa các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ thảo luận về các chính sách của nhà nước liên quan vấn đề quản lý rác thải nhựa.