Giải thưởng INSEE Prize (tiền thân là giải thưởng Holcim Prize) là một giải thưởng khuyến khích và tôn vinh những sáng kiến của sinh viên hướng đến xây dựng bền vững – xu thế phát triển chung của ngành xây dựng để góp phần bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng. Giải thưởng do công ty INSEE Việt Nam tài trợ, được tổ chức thường niên từ năm 2008 (INSEE Việt Nam được đổi tên từ Holcim Việt Nam từ năm 2017). Dưới đây sẽ là một số ví dụ về các ý tưởng đạt giải của những năm trước.
IP2014: “Nghiên cứu, ứng dụng, chế tạo bơm va cấp nước cho vùng nông thôn, biên giới, hải đảo” của nhóm sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là một huyện vùng núi rất khó khăn với thời tiết khắc nghiệt và mùa khô hạn kéo dài, người dân tại đây thường xuyên phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Hơn nữa, địa bàn này thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở làm hư hỏng, xuống cấp các công trình cấp nước đã được đầu tư. Từ thực trạng trên, với mong muốn giúp đỡ người dân ở đây có nước sạch để sử dụng, một nhóm sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã nghiên cứu, chế tạo ra một loại bơm có thể cấp nước cho vùng nông thôn, biên giới, hải đảo có tên gọi “bơm va”. Dự án này đã đạt giải Ứng dụng – giải thưởng cao nhất của cuộc thi Holcim Prize 2014 (nay là INSEE Prize). Bơm va hay còn gọi là bơm ram đã có từ rất lâu trên thế giới với nhiều cấu tạo khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn trên nguyên lý nước va. Bơm giúp bơm nước không dùng nguồn năng lượng như điện hay ga, do vậy tiết kiệm những nguồn nhiên liệu không thể thay thế trong tự nhiên. Đây là một dự án có tính mới, cấu tạo đơn giản, dễ dàng lắp đặt và có khả năng ứng dụng rộng rãi nhất tại các vùng nông thôn, giúp giảm chi phí sinh hoạt và sản xuất. Việc ứng dụng thành công dự án này tại Trường tiểu học và Trường mầm non xã Nậm Pung góp phần cung cấp nước sạch cho giáo viên, học sinh của hai trường, cùng với hơn 200 hộ dân sống trong khu vực này. Dự án này được triển khai và bàn giao cho cộng đồng xã Nậm Pung trong năm 2015 với tổng kinh phí 200 triệu đồng.
IP2017: Dự án “Thư viện xanh” của nhóm sinh viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh
Ý tưởng được xuất phát từ chuyến đi tình nguyện của nhóm sinh viên trẻ trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh. Dự án đã đạt được các tiêu chí của một công trình xây dựng bền vững:
φ Đóng góp Xã hội: “Thư viện xanh” mang lại không gian vừa học vừa chơi dành cho các em học sinh tiểu học, thực hiện hai chức năng chính là lưu trữ sách “xanh” và thực hiện mô hình giáo dục tiên tiến cho “mầm xanh”.
φ Hiệu quả kinh tế: Giải pháp tiết kiệm chi phí – Hệ thống pin năng lượng mặt trời với 5 tấm pin mặt trời công suất 1000W/tấm cung cấp điện năng để sử dụng cho toàn hệ thống và dự trữ vào ắc qui; Hệ thống lấy sáng và đón gió tận dụng tối đa mặt kính và các cửa sổ của thư viện để đón ánh sáng. Ngoài ra, hai cửa hai bên có chức năng lưu thông dòng không khí trong thư viện, do thuộc khu vực gió quanh năng theo hướng Tây – Bắc và Đông – Nam nên quá trình thông gió cho thư viện hoàn toàn đạt hiệu quả cao.
φ Thân thiện môi trường: Thư viện được thiết kế hoàn toàn “xanh” từ các vật liệu sử dụng, nguồn năng lượng sử dụng đến trồng cây xanh trên mái của thư viện. Khu vực trồng thuốc nam nhằm tận dụng khoảng không gian trống trên mái nhà, vừa tạo nguồn dược liệu tại chỗ, vừa giúp các em học sinh tìm hiểu thêm về thực vật và môi trường.
φ Tính khả thi dự án: Tuy kinh phí dự án lên đến gần 500 triệu đồng nhưng các bạn sinh viên đã thuyết phục được các nhà cung cấp nguyên vật liệu khác tài trợ cho dự án ngoài nguồn tài trợ 200 triệu đồng từ INSEE Việt Nam.
IP2018: dự án “SEEN House – Giấc mơ trưa”, của nhóm sinh viên trường ĐH Cần Thơ và ĐH Kiến Trúc TP HCM cùng thực hiện
Dự án SEEN HOUSE – nơi nghỉ trưa cho 100 học sinh nghèo trường THPT Thống Linh – Đồng Tháp được thiết kế theo đúng các tiêu chí “Công trình Xanh”:
φ Đóng góp Xã hội: Mang đến suất cơm ưu đãi – chia sẻ khó khăn đến các em học sinh
φ Hiệu quả kinh tế: Giải pháp tiết kiệm chi phí – năng lượng điện tiệu thụ tối ưu với các vật liệu địa phương và thiết kế thông minh. Tận dụng đất trồng rau cung cấp cho bếp ăn từ thiện.
φ Thân thiện môi trường: Kết hợp nhiều vật liệu Xanh tại địa phương trong thiết kế công trình, hoạch định rõ ràng với mục tiêu không phát thải – không ảnh hưởng xấu đến đến môi trường.
φ Tính khả thi dự án: Công trình dễ thi công, phù hợp với nguồn kinh phí tài trợ.
Không chỉ đem đến “Giấc mơ trưa” cho các em học sinh nghèo, nhóm dự thi đến từ ĐH Cần Thơ – ĐH Kiến Trúc TP.HCM còn mong muốn tận dụng chính nguồn vật liệu tại địa phương, tạo ra không gian phát triển đa dụng: sinh hoạt CLB; gần gũi, chăm sóc thiên nhiên; vun trồng rau, thực vật cung cấp cho bếp ăn từ thiện.
Một số ý tưởng khác về xây dựng bền vững
Dự án xây mới “Phòng khám thuốc Nam” ở xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang
Xuất phát từ việc một ông thầy thuốc nam chuyên khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân địa phương, tuy nhiên ông lại không có một ngôi nhà kiên cố để tránh mưa, tránh nắng, INSEE Việt Nam đã thiết kế và thi công xây dựng một phòng khám mới cho ông với các tiêu chí của một công trình xanh:
φ Đóng góp xã hội: là nơi khám chữa bệnh miễn phí cho người dân địa phương.
φ Hiệu quả kinh tế: hai bức tường của ngôi nhà được xếp bằng những tấm bê tông nhẹ đặc biệt có độ rộng 30 cm, bề dày 5 cm giúp lưu thông và đón gió trời, hầu như quanh năm không cần dùng quạt điện. Nhóm thiết kế cũng đã tính toán độ nghiêng và bề rộng của các tấm bê tông để không bị hắt nước mưa vào nhà kể cả khi mưa to. Khoảng giữa phòng khám chính và nhà vệ sinh có lợp tấm nhựa để che mưa và lấy ánh sáng từ tự nhiên.
φ Thân thiện môi trường: Vật liệu sử dụng làm tấm bê tông được trộn từ những vật liệu tái chế với công thức đặc biệt để tấm bê tông trở lên siêu nhẹ và bền. Xung quanh ngôi nhà có nhiều cây xanh để chắn bụi vào nhà.
φ Tính khả thi: Ngôi nhà xây mới với kinh phí chưa đến 200 triệu đồng do có sự góp sức của người dân địa phương.
Dự án “Cải tạo trường Tiểu học Sóc Ghè” xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang
Điểm trường học Sóc Ghè thuộc xã Bình Trị, huyện Kiên Lương trước đây được xây dựng theo mẫu nhà cấp 4, mái tôn, không có không khí đối lưu, mặc dù trong lớp học được treo các quạt điện hai bên tường nhưng vào mùa hè cả thầy và trò vẫn ướt đẫm mồ hôi vì nóng. Từ thực trạng này, nhóm chuyên gia của Công ty INSEE đã đưa ra ý tưởng cải tạo lại các lớp học để giảm sức nóng trong phòng học.
φ Giá trị xã hội: giúp các em học sinh có một lớp học thoáng mát hơn để học tập tốt hơn.
φ Hiệu quả kinh tế: mái nhà được làm bằng vật liệu tôn cách nhiệt 2 lớp, tạo ra một rãnh hở giữa lớp 1 và lớp 2 giúp cho không khí đối lưu nhanh, hơi nóng từ trong phòng học được đẩy ra ngoài qua rãnh hở và ngược lại gió từ ngoài vào qua các cửa chính và cửa sổ của cũng mạnh hơn, sau khi phần mái được cải tạo, lượng điện tiêu thụ hàng tháng đã giảm tới 40%. Ngoài ra phía ngoài của mỗi phòng học còn lắp các bồn chứa nước để thu gom nước mưa, phục vụ cho việc sinh hoạt vào mùa mưa.
φ Thân thiện môi trường: mái nhà được làm bằng vật liệu tôn cách nhiệt và phản xạ ánh sáng làm giảm nhiệt độ bên trong lớp học.
φ Tính khả thi: dễ thi công, không tốn nhiều kinh phí (khoảng 170 triệu đồng cho 2 phòng học)
Các ý tưởng được tổng hợp trong file powperpoint tại đây.
Quán quân của INSEE Prize trong 10 năm qua
2009: Dự án Thu gom bao bì thuốc Bảo vệ thực vật – trường ĐH Cần Thơ
2010: Dự án Nhà vệ sinh nổi – trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh
2011: Dự án Máy lọc nước biển – trường ĐH Cần Thơ
2012: Dự án Tưới nước bằng năng lượng mặt trời – trường ĐH Bách Khoa – ĐHQG TP Hồ Chí Minh
2013: Dự án Thùng rác sinh học – trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh
2014: Dự án Bơm va – trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
2015: Dự án Sấy bánh tráng bằng năng lượng nhiệt thải – ĐH Bách Khoa – ĐH Đà Nẵng
2016: Dự án Trường học vùng cao – ĐH Kiến trúc Hà Nội
2017: Dự án Thư viện Xanh – ĐH Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh
2018: IP2018: dự án “SEEN House – Giấc mơ trưa”, của nhóm sinh viên trường ĐH Cần Thơ và ĐH Kiến Trúc TP Hồ Chí Minh cùng thực hiện
Thể lệ cuộc thi mời xem chi tiết .
Tải mẫu làm bài thi
Các bạn hoàn thành bài thi theo mẫu và gửi về email: Insee.Prize-vnm@siamcitycement.com và điền bài vào biểu mẫu online tại đây.
Trung tâm Giáo dục và Phát triển