Trong hai ngày 24 và 25/1 vừa qua, Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) đã tập huấn thiết kế dự án cho cán bộ của 5 trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) trên địa bàn tỉnh An Giang và Cần Thơ.

Trong suốt hai buổi tập huấn, bà Tô Kim Liên, GĐ CED đã cùng các thành viên xây dựng kế hoạch cho TTHTCĐ của mình để giải quyết vấn đề đang gặp phải.

Ngoài cung cấp kiến thức và kĩ năng thiết kế một dự án nhằm đáp giải quyết một vấn đề của cộng đồng và đáp ứng yêu cầu của các nhà tài trợ, tập huấn còn tập trung thảo luận, đánh giá và xây dựng 5 dự án cụ thể cho 5 trung tâm học tập cộng đồng tham gia thí điểm là Trường Thành, Mỹ Thới, Mỹ Phước, Mỹ Bình và An Phước.

Vấn đề chung mà các TTHTCĐ thường gặp phải là tình trạng thanh niên địa phương thất nghiệp hoặc bỏ đi làm xa quê, giá cả sản phẩm đắt, các chương trình dạy nghề chưa hiệu quả…

Mỹ thới là một phường của thành phố Long Xuyên (An Giang). Các cán bộ của TTHTCĐ phường Mỹ Thới xác định vấn đề địa phương đang gặp phải là tình trạng lao động nông thôn thất nghiệp. Trong khi đó, TTHTCĐ phường An (Bình Thủy, Cần Thơ) lại cho rằng địa phương mình đã có những lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng chưa hiệu quả làm lãng phí tiền của, thời gian đồng thời làm nảy sinh các tệ nạn xã hội.

Các đại biểu thảo luận nhóm về các vấn đề của địa phương mà TTHTCĐ có thể tham gia giải quyết.

Mô hình thử nghiệm TTHTCÐ ra đời tại Việt Nam từ những năm 1997 – 1998. Ðến nay, mạng lưới TTHTCÐ tiếp tục phát triển mạnh, cả nước có khoảng 11.000 TTHTCÐ, trong đó có 53 tỉnh, thành phố đạt 100% số xã, phường, thị trấn có TTHTCÐ (chiếm tỷ lệ 98,77%). Số lượng các TTHTCÐ đang tiếp tục tăng lên và tạo cơ hội cho hàng chục triệu lượt người được học tập với nhiều nội dung về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống và giữ vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

TTHTCÐ đóng vai trò quan trọng, là công cụ thiết yếu xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn ít TTHTCÐ thật sự phát huy hiệu quả, các TTHTCĐ chưa chủ động tổ chức hoạt động cũng như xây dựng tài liệu, các chương trình và hoạt động tại các TTHTCÐ mà vẫn chủ yếu thực hiện các chương trình đưa xuống từ Bộ GD và ĐT.

Với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng thông qua tăng cường năng lực và tính chủ động trong huy động nguồn lực và kết nối với các tổ chức địa phương , dự án “Duy trì tính bền vững và phát huy hiệu quả của Trung tâm HTCĐ để góp phần xây dựng XHHT ở Việt Nam” đã ra đời do Hiệp hội Giáo dục vì mọi người Việt Nam (VAEFA) phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam, Trung tâm Giáo dục và Phát triển phối hợp thực hiện.

Dự án sẽ đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực hiện tại của các trung tâm được lựa chọn (đánh giá năng lực, kỹ năng của lãnh đạo và cán bộ nhằm làm cơ sở xây dựng chương trình bồi dưỡng kỹ năng và năng lực để họ có khả năng xây dựng thực hiện chương trình, vận động nguồn lực và truyền thông…); xây dựng các chương trình đào tạo và tạo cơ hội cho thanh thiếu niên và các bạn trẻ cộng đồng có điều kiện tham gia các hoạt động có chất lượng nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho thanh thiếu niên; kết nối các tổ chức và vận động nguồn lực hỗ trợ tại địa phương thông qua truyền thông, các hoạt động thực tế, xây dựng các quan hệ đối tác tại địa phương.

Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm sau chương trình.