Trong hai ngày 14 và 15/5, hơn 60 học sinh trường THCS Thực Nghiệm (Hà Nội) đã tham gia thí điểm áp dụng mô hình Quốc Hội vào trường học để lên kế hoạch cho chương trình học tập thực địa (trải nghiệm) trong năm học tới.

Ông Nguyễn Chí Dũng, cố vấn Trung tâm đại biểu dân cử là chuyên gia hỗ trợ chuyên môn và tổ chức cho dự án.

Để thực hiện mô hình Quốc Hội ở trường học hay gọi là Quốc Hội học đường, các lớp từ khối 6 đến khối 8 đã bầu 5 đại diện cho lớp mình để tham gia làm đại biểu Quốc Hội. Các đại biểu sẽ được tập huấn để hiểu rõ về chức năng, tổ chức và hoạt động của Quốc Hội. Các kiến thức này thuộc nhiều nội dung bài học của môn Giáo dục công dân lớp 6, 7, 8 nên việc áp dụng thành công mô hình Quốc Hội học đường sẽ không chỉ giúp học sinh được tham gia giải quyết các vấn đề trong trường học mà còn giúp các em hiểu sâu về nội dung bài học một cách thiết thực.

Học sinh ứng cử và đề cử những người phù hợp để bầu giữ các chức vụ quan trọng trong Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Trong ảnh, ba học sinh hàng dưới là chủ tịch Quốc Hội (giữa) cùng ba phó chủ tịch Quốc Hội. Các thành viên đứng sau gồm 7 chủ nhiệm các Ủy ban và Tổng Thư ký Quốc Hội.

Các chủ nhiệm Ủy ban sẽ điều phối các thành viên trong Ủy ban của mình thảo luận, xác định vấn đề, nguyên nhân và đề xuất giải pháp cho các vấn đề đang gặp phải của hoạt động giáo dục thực địa (trải nghiệm). Học sinh ở các lửa tuổi khác nhau sẽ có cảm nhận và cái nhìn khác nhau đối với hoạt động này nên việc cùng ngồi lại với nhau để bàn luận giúp các em hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhau và tìm ra được tiếng nói chung để gửi lên BGH nhà trường.

Một số vấn đề lớn được đưa ra bàn luận là học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm “học thì ít, chơi thì nhiều”, học sinh chưa biết bảo vệ và giữ gìn cảnh quan nơi đến học, thời gian học trải nghiệm chưa đủ và chưa đồng đều các môn…

Ủy ban Giáo dục (tên do học sinh tự đặt)  đề xuất giáo viên dạy các môn học có nội dung học trải nghiệm phải có yêu cầu khắt khe hơn và giao cho học sinh chuẩn bị trước mỗi buổi học để tránh tình trạng “học ít, chơi nhiều”. Ủy ban cũng đề xuất bổ sung nhiều hoạt động vui chơi tạo không khí tươi mới, trẻ trung và hấp dẫn với học sinh.

Ngoài Ủy ban Giáo dục, các Ủy ban khác sẽ thảo luận về các khía cạnh khác nhau của hoạt động học trải nghiệm như Ủy ban Tài nguyên và Môi trường bàn về việc giữ gìn vệ sinh nơi học thực địa, Ủy ban Văn hóa và Xã hội bàn về việc tăng cường các hoạt động tìm hiểu văn hóa tại địa phương nơi đến học… Hình thức thảo luận của các Ủy ban cũng chính là hoạt động chia nhóm thảo luận mà học sinh thường làm trên lớp. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình Quốc Hội, phân ra các Ủy ban và thảo luận về các khía cạnh khác nhau của vấn đềgiúp học sinh dễ dàng hình dung và hiểu được cách thức tổ chức, hoạt động của Quốc Hội.

Quang cảnh Phiên biểu quyết của Quốc Hội.

Sau khi nghe tờ trình của các Ủy ban, các đại biểu đóng góp ý kiến, điều chỉnh, sửa đổi.

Một học sinh tỏ ra bất ngờ trước ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội.

Tổng Thư ký đọc bản tổng hợp các ý kiến của các đại biểu. Vai trò này do Nguyễn Ngọc Mỹ Anh (lớp 8C) đảm nhiệm. Em cho biết đây là lần đầu tiên em được học môn Giáo dục công dân theo cách đóng vai, trải nghiệm thế này nên cảm thấy rất hứng thú và hiểu nội dung bài học hơn.

Quốc Hội biểu quyết thông qua tờ trình của các Ủy ban. Buổi Biểu quyết có sự tham gia của Ban Giám Hiệu nhà trường và một số giáo viên khác. Sau khi đa số đại biểu tán thành, tờ trình đã được BGH nhà trường kí thông qua và sẽ áp dụng để triển khai hoạt động học trải nghiệm theo đề xuất của học sinh vào năm tới.

Các học sinh chụp ảnh kỉ niệm sau chương trình. Nguyễn Hương Giang (ngồi thứ hai từ trái sang) đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc Hội cho biết sau hoạt động này, em không chỉ hiểu thêm về hoạt động của Quốc Hội mà còn được rèn luyện rất nhiều kĩ năng.

Ông Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao về khả năng tiếp cận với các kiến thức chính trị cũng như áp dụng mô hình Quốc Hội vào tại nhà trường thông qua Quốc Hội học đường của các em học sinh. “Nhiều người cho rằng những nội dung này là quá sức với các em nhưng thực tế sau khi thí điểm hoạt động này cho các em học sinh lớp 6, 7, 8, tôi thấy các em hoàn toàn có thể hiểu được và tham gia rất sôi nổi, nhiệt tình. Hoạt động này hoàn toàn có thể áp dụng ở các trường học để môn Giáo dục công dân bớt khô cứng và các em hiểu rõ hơn về tổ chức của Quốc Hội cũng như của bộ máy nhà nước thông qua các vấn đề gần gũi của chính các em”, ông Dũng nhấn mạnh.

Mô hình Quốc Hội học đường tại trường THCS Thực Nghiệm cùng hoạt động thăm quan, trải nghiệm tại Nhà Quốc Hội dành cho bốn trường THCS khác trên địa bàn Hà Nội thực hiện trong thời gian vừa qua nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường giáo dục công dân cho giới trẻ” được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững (CSDS), Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) dưới sự tài trợ của USAID triển khai từ 9/2017 tới tháng 7/2018.